Hội thảo khoa học bộ môn Luật lao động.

Đăng vào 30/11/2017 17:09

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc

           Ngày 28/11/2017, trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Luật – Đại học Vân Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”.Tham dự Hội thảo có sự tham gia của TS. Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS.Vũ Thị Lan Anh, phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; PGS,TS Trần Thị Thuý Lâm, Trưởng bộ môn Luật Lao động; các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và pháp luật, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Công nhân Công đoàn…các nhà khoa học là giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại trường Đại học Luật Hà Nội. Về phía trường Luật, Đại học Vân Nam có sự tham gia của GS.TS Thái Lỗi, Phó hiệu trưởng trường Luật, Đại học Vân Nam; PGS.TS Châu Xương Phát, chủ nhiệm phòng nghiên cứu pháp luật kinh tế; PGS.TS Tô Dung, chủ nhiệm phòng nghiên cứu pháp luật dân sự và thương mại; TS Đường Quốc Tùng, chủ nhiệm văn phòng khoa ngoại ngữ; TS Khanh Việt, giảng viên trường Luật, Đại học Vân Nam

         Di cư lao động từ nông thôn ra thành thị đang là xu hướng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nói chung. Trong những năm gần đây với sự phát triển của các khu công nghiệp, ở Việt Nam, tỷ lệ người di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng có xu hướng gia tăng.Việt Nam và Trung Quốc là các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hoá, địa lý, tập quán…Chính vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm giữa hai quốc gia về lao động di cư có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc. Hội thảo tập trung trao đổi về thực trạng lao động di cư của Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ xã hội, tội phạm là người lao động di cư,…Hội thảo cũng tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong việc điều chỉnh pháp luật và các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về lao động di cư.

          Những kiến nghị được các học giả đưa ra tại Hội thảo có giá trị tham vấn cho việc hoạch định chính sách đối với lao động di cư. Đây cũng là cơ hội để các học giả công bố các nghiên cứu và trao đổi, chia sẻ các quan điểm khoa học về các vấn đề mang tính thời sự về lao động di cư của hai quốc gia.

         Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Lê Tiến Châu và PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cảm ơn sự tin tưởng hợp tác của trường Luật - Đại học Vân Nam trong việc tổ chức Hội thảo, cũng như các hoạt động hợp tác với Trường Đại học Luật Hà Nội trong suốt thời gian qua. Sự thành công của Hội thảo này là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trường Đại học Luật Hà Nội với trường Đại học Vân Nam cũng như các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc.