MỐI QUAN HỆ GIỮA MÔN HỌC LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VỚI MÔN HỌC LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Đăng vào 22/05/2018 15:42

Tham luận

MỐI QUAN HỆ GIỮA MÔN HỌC LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VỚI MÔN HỌC LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

---------------------------------

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Khoa Pháp luật Kinh tế

            Hệ thống pháp luật Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật có mối quan hệ gắn bó, tương tác với nhau.Việc phân chia hệ thống pháp luật thành những ngành luật có ý nghĩa trong việc xác định đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh; trong xây dựng, rà soát, pháp điển hóa và áp dụng, thực thi pháp luật v.v. Tuy nhiên, không vì thế mà tuyệt đối hóa vai trò độc lập, tách biệt từng lĩnh vực pháp luật/ ngành luật trong hệ thống pháp luật. Trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học cần xét xét lịch sử hình thành và phát triển của một môn học luật đặt trong mối quan hệ biện chứng với các môn học luật khác. Đây là cách tiếp cận biện chứng trong đánh giá, nghiên cứu vị trí, vai trò của từng môn học trong chương trình giảng dạy pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu bàn luận về mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam với môn Luật Đất đai trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội.

1. Mối quan hệ biện chứng giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam với môn Luật Đất đai trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội

            Môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam được xếp trong nhóm các môn học do Khoa Hành chính Nhà nước đảm nhiệm và thường được giảng dạy cho sinh viên các hệ (hệ chính quy, hệ văn bằng 2 chính quy, hệ vừa học vừa làm) vào năm học thứ 1 hoặc năm học thứ 2. Môn Luật Đất đai là môn học luật được xếp trong nhóm các môn thuộc chuyên ngành Luật Kinh tế do Khoa Pháp luật Kinh tế đảm nhiệm và thường được giảng dạy cho sinh viên các hệ (hệ chính quy, hệ văn bằng 2 chính quy, hệ vừa học vừa làm) vào năm học thứ 2 hoặc năm học thứ 3; sau khi người học đã học một số môn học về phương pháp luận; lý luận về nhà nước và pháp luật; tổ chức bộ máy nhà nước như triết học, kinh tế chính trị, lý luận về nhà nước và pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự v.v. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi đã được trang bị các kiến thức cơ sở về tư duy, phương pháp luận về nghiên cứu luật học; những kiến thức chung về nhà nước và pháp luật; về tổ chức bộ máy nhà nước, về hành chính, về dân sự, hình sự v.v thì mới tiếp cận các môn học chuyên ngành luật kinh tế nói chung và luật đất đai nói riêng. Dẫu vậy, môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và môn học Luật Đất đai vẫn có mối quan hệ biện chứng với nhau; bởi lẽ:

            Một là, mỗi một lĩnh vực pháp luật nói chung và lĩnh vực pháp luật đất đai nói riêng đều có lịch sử hình thành và phát triển. Để nghiên cứu một lĩnh vực pháp luật có hệ thống, đầy đủ và toàn diện không thể không tìm hiểu nguồn gốc của nó. Phương pháp luận duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin đã chỉ rõ mọi sự vật, hiện tượng đều có nguồn gốc, bản chất. Nếu không tìm hiểu nguồn gốc phát sinh thì e rằng rất khó có thể hiểu đúng và đầy đủ bản chất của một sự vật, hiện tượng. Lĩnh vực Luật Đất đai cũng không phải là một ngoại lệ. Khi giảng dạy môn Luật đất đai, giảng viên không thể không cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về nguồn gốc ra đời; lịch sử hình thành và phát triển của các chế định về sở hữu đất đai, chế định về quản lý đất đai, chế định về sử dụng đất … qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, giảng viên  sử dụng phương pháp so sánh luật học để chỉ ra cho sinh viên nhận biết được những sửa đổi, bổ sung của pháp luật đất đai hiện hành tham chiếu với các quy định được ban hành trước đây. Điều này không chỉ giúp sinh viên thấy được sự phát triển tư duy pháp lý trong xây dựng, thực thi pháp luật đất đai mà còn luận giải được cơ sở, ý nghĩa/mục đích của những sửa đổi, bổ sung này đối với đời sống xã hội.

            Hai là, mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và môn học Luật Đất đai còn được thể hiện ở chỗ thông qua việc nghiên cứu các chế định về sở hữu đất đai trong lịch sử đặt trong mối quan hệ tham chiếu, so sánh với pháp luật sở hữu đất đai hiện hành để rút ra những bài học kinh nghiệm tốt, có giá trị nhằm kế thừa và phát triển xây dựng nội dung các quy định thực định. Ngược lại, tìm hiểu lịch sử quan hệ đất đai và quan hệ pháp luật đất đai để nhận diện những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; trên cơ sở đó, phòng tránh “không lặp lại” những sai lầm trong quá khứ liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai.

             Ba là, mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nướcvà Pháp luật Việt Namvà môn học Luật Đất đai thể hiện ở điểm nếu giảng dạy pháp luật đất đai hiện hành mà tách dời hoặc không đề cập, xem xét các giá trị lịch sử của quan hệ/chế định pháp luật đất đai trong quá khứ thì chúng ta mới chỉ trang bị cho sinh viên “kiến thức ngọn” mà thiếu hẳn phần “kiến thức gốc”. Trong bất kỹ một lĩnh vực khoa học nào (trong đó có luật học nói chung và pháp luật đất đai nói riêng) đều có truyền thống lịch sử. Điều này có nghĩa là một lĩnh vực khoa học ra đời không chỉ giải quyết những vấn đề mà cuộc sống hiện đại ngày hôm nay đặt ra mà nó còn bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử của quá khứ. Truyền thống lịch sử tạo lập bề dày cho sự hình thành và phát triển của một lĩnh vực khoa học; trên cơ sở đó tạo ra các trường phái khoa học. Luật học nói chung và Luật đất đai nói riêng là một lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn nên lịch sử phát triển càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, giá trị kết tinh của pháp luật không chỉ là những quy tắc đạo đức được xã hội thừa nhận có tính phổ biến và được Nhà nước “chế định hóa” thành các quy định có tính bắt buộc mà nó còn phản ánh những giá trị văn hóa, nhân văn; phong tục, tập quán, suy nghĩ, tình cảm của người dân, của một dân tộc. Những giá trị này không phải tự thân nó được hình thành tức thời mà được hình thành trải qua một quá trình lâu dài trong lịch sử “như những hạt phù sa qua thời gian dài mới lắng đọng tạo thành những cánh đồng phì nhiêu bất tận”. Vì vậy, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng mà tách dời yếu tố lịch sử hình thành, phát triển sẽ không hiều được truyền thống pháp lý, gốc rẽ của pháp luật. Ví dụ:Khi giảng dạy Chương 2. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, chúng ta muốn lý giải lý do vì sao ở nước ta chỉ thừa nhận một chế độ sở hữu đất đai duy nhất: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới lại xây dựng mô hình chế độ đa sở hữu về đất đai mà không đề cập đến các yếu tố lịch sử mang tính đặc thù của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển chế định “quốc gia công thổ” (Đất đai thuộc về Nhà nước) thì sẽ rất khó thuyết phục được sinh viên. Một ví dụ khác, muốn đưa pháp luật đất đai đi vào đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên mà không nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của luật tục và vai trò của nó thì việc thực thi pháp luật sẽ đạt hiệu quả thấp; bởi lẽ, luật tục có lịch sử hình thành và tồn tại rất lâu đời. Nó đóng vai trò quan trọng chi phối đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Sẽ còn rất nhiều ví dụ cụ thể khác để minh chứng mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và môn học Luật Đất đai mà không khuôn khổ có hạn của bài viết này không thể đề cập hết.

             Bốn là, mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Namvà môn học Luật Đất đai còn được lý giải bởi:

         Hệ thống pháp luật là một chỉnh thể thống nhất bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật cụ thể song không tách biệt độc lập mà có mối quan hệ gắn bó mật thiết; thậm chí có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Chính vì vậy, phương pháp nghiên cứu hệ thống, liên ngành là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trên thế giới khi nghiên cứu, tìm hiểu một lĩnh vực pháp luật cụ thể mà pháp luật đất đai không phải là một ngoại lệ. Môn học Luật đất đai không chỉ có mối quan hệ với môn học Lịch sử Nhà nướcvà Pháp luật Việt Nammà còn có mối quan hệ với một số môn học luật khác. Điều này giải thích vì sao giữa môn học Luật đất đai với một số môn học luật khác có một số nội dung giao thoa, chồng lấn với nhau.

           Năm là, mối quan hệ giữa môn học Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Namvà môn học Luật Đất đai còn được thể hiện ở việc giảng dạy, nghiên cứu pháp luật đất đai đặt trong sự tham chiếu, so sánh với lịch sử của sự phát triển lĩnh vực pháp luật này để làm nổi bật những bài học, giá trị lịch sử lập pháp của ông cha. Điều này giúp chúng ta trân quý, nâng niu, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử lập pháp nhằm giải quyết những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước và Pháp quyền trong cuộc sống hiện đại.

2. Những kinh nghiệm lịch sử có thể kế thừa trong việc xây dựng, áp dụng pháp luật tiếp cận từ mối quan hệ biện chứng giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam với môn Luật Đất đai trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội

           Tiếp cận mối quan hệ biện chứng giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam với môn Luật Đất đai trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội, chúng ta có thể kế thừa một số kinh nghiệm lịch sử cơ bản trong xây dựng, áp dụng pháp luật, cụ thể:

          Một là, tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý, phù hợp với chính sách, pháp luật đất đai của Luật tục của đồng bào Ê đê, J’rai, Ba na ở khu vực Tây nguyên; của đồng bào Mường, đồng bào Thái và của một số dân tộc thiểu số khác về quản lý và sử dụng đất trong xây dựng các văn bản hướng dẫn về tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013 tại khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

          Hai là, nghiên cứu những giá trị trong các quy định về đất đai của Bộ luật Hồng Đức, Hoàng việt luật lệ và những đạo luật cổ khác như chế tài xử lý vi phạm, cách thức tổ chức quản lý và sử dụng đất … để tham khảo trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

          Ba là, chú trọng bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết, nhận thức về pháp luật đất đai cho đội ngũ già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc vận động đồng bào (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) chấp hành chính sách, pháp luật đất đai; hòa giải tranh chấp đất đai.

          Bốn là, nghiên cứu và tiếp tục công nhận giá trị pháp lý của các kế ước, văn tự, bằng khoán điền thổ và các giấy tờ về đất đai do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất. Các cơ quan nhà nước cần coi đây là một chứng cứ để xác định nguồn gốc sử dụng ổn định, lâu dài của người sử dụng đất và là một căn cứ, điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân.

         Năm là, nghiên cứu, tham khảo hệ thống bản đồ địa chính, sổ địa chính … của thời Pháp thuộc trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.

          Sáu là, phân tích, đánh giá mô hình, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đất đai của các nhà nước phong kiến Việt Nam; của thời Pháp thuộc để rút ra những điểm hợp lý, có giá trị tham khảo cho việc xây dựng, kiện toàn, đổi mới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở nước ta hiện nay.

        Bảy là, nghiên cứu, đánh giá mô hình sở hữu đất đai của các nhà nước phong kiến Việt Nam, bao gồm ruộng đất công (thuộc sở hữu nhà nước) và ruộng đất tư (thuộc sở hữu làng, xã hoặc sở hữu tư nhân) thông qua câu thành ngữ “đất của vua, chùa của làng” để rút ra những giá trị tham khảo bổ ích và vận dụng sáng tạo trong việc quy định mở rộng, bảo hộ các quyền của người sử dụng đất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

         Tám là, nghiên cứu chế độ hạn điền, quân cấp công điền của thời Lê sơ để tìm ra những điểm hợp lý, vận dụng sáng tạo trong xây dựng và thực thi các quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân.

        Chín là, phát huy giá trị của các phương thức giải quyết tranh chấp đất đai “phi Nhà nước” như thương lượng, hòa giải, trọng tài … trong lịch sử quan hệ đất đai để giải quyết, hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của hai hay nhiều bên trong quan hệ đất đai ở nước ta hiện nay v.v.

        Tóm lại: Nghiên cứu, giảng dạy môn học Luật đất đai mà tách dời những yếu tố lịch sử của môn học này sẽ không thấy được toàn bộ đời sống sống động của các quy định về đất đai trong mối quan hệ bắt nguồn từ quá khứ, phát huy giá trị tại hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.

        Thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ biện chứng giữa môn học Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam với môn Luật Đất đai trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Luật Hà Nội cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của những yếu tố lịch sử của môn học Luật Đất đai trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn học này.