XÂY DỰNG NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

Đăng vào 22/05/2018 15:57

Tham luận

XÂY DỰNG NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT

HÀ NỘI - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

------------------

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Khoa Pháp luật Kinh tế

              Bất kỳ một trường đại học nào được thành lập đều phải thực hiện song song hai nhiệm vụ cơ bản, bao gồm giảng dạy (truyền đạt, trang bị tri thức) và nghiên cứu khoa học (sáng tạo ra tri thức mới). Trong quản trị đại học hiện đại, các trường đại học rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Nghiên cứu khoa học và công bố các sản phẩm khoa học trên những tạp chí chuyên ngành uy tín của quốc tế là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo của một trường đại học. Để thực hiện việc này, nhiều trường đại học hàng đầu của thế giới và một số trường đại học ở Việt Nam đã xây dựng những Nhóm nghiên cứu mạnh. Trường Đại học Luật Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế này nếu muốn phấn đấu trở thành một trong hai trường trọng điểm về đào tạo luật của quốc gia và vươn tới trình độ của các cơ sở đào tạo luật trong khu vực.

1. Khái quát về Nhóm nghiên cứu mạnh trong nghiên cứu khoa học

1.1. Khái niệm về Nhóm nghiên cứu mạnh

           Gần đây, cụm từ “Nhóm nghiên cứu mạnh” được nhắc đến và ngày càng mang tính phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nói riêng. Ở nước ta, Nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập trong một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân v.v. Vậy Nhóm nghiên cứu mạnh là gì?; Đặc điểm của nó ra sao?.

          Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN: “Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo đạt hiệu quả tốt, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến; có khả năng làm nòng cốt hoặc phối hợp với các nhóm nghiên cứu khác để triển khai các nội dung khoa học của Chương trình”[1].

        Theo GS.TSKH. Trương Quang Học: “Một cách khái quát có thể hiểu Nhóm nghiên cứu (Scientific Working Group - SWG) là một tập thể nghiên cứu/hoạt động khoa học được thành lập một cách tự nguyện hay theo ý đồ phát triển của tổ chức (nhưng không phải là một đơn vị hành chính). Dẫn dắt nhóm nghiên cứu là người nhiệt tâm, chịu trách nhiệm chính về định hướng nghiên cứu, có năng lực chuyên môn, có khả năng tổ chức (bao gồm cả khả năng tạo dựng các mối quan hệ, tìm kiếm nguồn kinh phí hoạt động cho nhóm và được cả nhóm tín nhiệm). Các thành viên của nhóm là các cán bộ khoa học có nhiệt huyết và khả năng, các nghiên cứu sinh, sinh viên … cùng theo đuổi một hướng khoa học nhất định. Nhóm có đủ các điều kiện cơ bản bao gồm nơi làm việc, trang thiết bị, thông tin, tư liệu và kinh phí … để đảm bảo cho các hoạt động nghiên cứu thành công một cách liên tục và thường là dài hạn.

         Nhóm nghiên cứu mạnh/xuất sắc là nhóm có các thành viên xuất sắc, điều kiện làm việc đầy đủ và những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học/phục vụ thực tiễn lớn, được quốc tế thừa nhận”[2].

         Theo Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Qũy Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ (sau đây gọi là Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN): “Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học xây dựng được hướng nghiên cứu chung, dài hạn; có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu cho từng giai đoạn cụ thể; nội dung nghiên cứu có tính đột phá và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Các thành viên chủ chốt của nhóm có kết quả nghiên cứu nổi bật (theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư này)”[3]

         Từ các khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của Nhóm nghiên cứu mạnh như sau:

          Một là,Nhóm nghiên cứu mạnh là tập hợp một nhóm các nhà khoa học có năng lực, trình độ chuyên môn cao và có uy tín khoa học … trong một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể đảm bảo có khả năng nghiên cứu độc lập để thực hiện  các ý tưởng khoa học hoặc yêu cầu khoa học. Thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh bao gồm các nhà khoa học được hình thành trên cơ sở tự nguyện có chung ý tưởng, chí hướng nghiên cứu khoa học và cho ra đời các sản phẩm khoa học có chất lượng chuyên môn cao.

         Hai là, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu mạnh là nhà khoa học nổi tiếng có trình độ, chuyên môn cao và có uy tín, chuyên gia đầu ngành trong một lĩnh vực khoa học. Họ không chỉ đưa ra ý tưởng, hướng nghiên cứu; có năng lực trình độ chuyên môn rất cao để tự mình hoạt động khoa học độc lập mà còn có khả năng tập hợp, lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học, đồng nghiệp, chuyên gia trong nghiên cứu và công bố các kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học ở những tạp chí quốc tế uy tín.

           Ba là,sản phẩm và các kết quả khoa học của Nhóm nghiên cứu mạnh có chất lượng chuyên môn; giá trị khoa học cao bao gồm những công trình, đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Nhà nước, đề án, giải pháp khoa học mang tính đột phá, đưa ra những giải pháp mang tính định hướng, lâu dài có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, của một địa phương, một bộ, ngành v.v và được công bố, giới thiệu trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín hoặc tạp chí khoa học quốc gia có uy tín ….

1.2. Điều kiện đối với Nhóm nghiên cứu mạnh

        Đối với Nhóm nghiên cứu mạnh, ngoài các yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN[4], phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

         Một là, Chủ nhiệm đề tài có kết quả công bố trên các tạp chí ISI[5] có uy tín phù hợp trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có khả năng tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia thực hiện đề tài, duy trì được hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhóm nghiên cứu quốc tế cùng ngành, liên ngành.

       Hai là, có ít nhất 02 thành viên nghiên cứu chủ chốt của đề tài đáp ứng yêu cầu của Chủ nhiệm đề tại nêu tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN.

         Ba là, tổ chức chủ trì đề tài có đủ điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực nghiên cứu và cam kết hỗ trợ trong thời gian thực hiện nghiên cứu.

1.3. Vai trò của Nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học

            Tìm hiểu hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học trên thế giới và một số trường đại học lớn ở Việt Nam cho thấy vai trò của nhóm này được thể hiện trên những khía cạnh cơ bản sau:

            Một là, Nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò là “đầu tàu”, là hạt nhân dẫn dắt, đi tiên phong trong hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đại học. Nhóm nghiên cứu mạnh tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ bên ngoài như từ các Qũy nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp v.v cho việc hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu khoa học; tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) do Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đặt hàng; đảm nhiệm việc nghiên cứu, thực hiện các đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Nhà nước; đưa ra các luận cứ khoa học và các giải pháp nhằm giải quyết yêu cầu do thực tiễn cuộc sống, sự phát triển của đất nước đặt ra.

            Hai là, các sản phẩm khoa học của Nhóm nghiên cứu mạnh có giá trị tham khảo rất bổ ích không chỉ cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước, của bộ, ngành, của địa phương; của một tổ chức, doanh nghiệp; cho công tác quản trị đất nước, quản trị địa phương, quản trị doanh nghiệp; có giá trị ứng dụng cao hoặc mang tính đột phá trong cuộc sống … mà còn phục vụ trực tiếp hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục, đào tạo; các viện nghiên cứu …

            Ba là, thông qua hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần hình thành và phát triển đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn ở từng lĩnh vực khoa học cụ thể. Trên cơ sở đó, Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học.

            Bốn là, hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh là cầu nối, liên kết, hợp tác giữa đội ngũ các nhà khoa học của trường đại học với các đồng nghiệp, các nhà khoa học của các trường đại học khác ở trong và ngoài nước.

            Năm là, hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần nâng cao năng lực, khả năng nghiên cứu khoa học của trường đại học tiệm cận với những tiêu chuẩn của quốc tế.

            Sáu là, hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần quảng cáo, truyền bá hình ảnh, thương hiệu, năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo với các cơ quan nhà nước, với doanh nghiệp, xã hội và với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước v.v.

2. Thực trạng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và nhu cầu hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh trong Trường Đại học Luật Hà Nội

2.1. Tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội

            Kể từ khi thành lập đến nay (Ngày 09/11/1079), trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội (tiền thân là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội) đã có một đội ngũ các nhà khoa học không chỉ hùng hậu về mặt số lượng mà còn có chất lượng và trình độ chuyên môn cao ở tất cả các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành. Theo số liệu của Phòng Tổ chức cán bộ, tính đến ngày 01/04/2018, số cán bộ, giảng viên là 297 người/tổng số 433 cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường (chiếm tỷ lệ khoảng 68,59%); trong đó, số cán bộ, giảng viên có học vị từ tiến sĩ luật trở lên là 122/297 người (chiếm tỷ lệ khoảng 41,06%), cụ thể: GS: 04 người (chiếm tỷ lệ khoảng 0,016%); PGS: 38 người (chiếm tỷ lệ khoảng 12,79%); TS: 80 người (chiếm tỷ lệ khoảng 26,96%); ThS: 167 người (chiếm tỷ lệ khoảng 56,22%); CN: 08 người (chiếm tỷ lệ khoảng 0,026%). Như vậy, có thể khẳng định Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong số không nhiều cơ sở đào tạo luật ở  Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học pháp lý có trình độ cao. Đây là vốn quý và là tiềm năng, thế mạnh của nhà trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

2.2. Thực trạng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội

            Mặc dù phát triển một đội ngũ cán bộ, giảng viên hùng hậu và có trình độ chuyên môn cao song chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng của một cơ sở đào tạo luật xếp vào tốp đầu ở nước ta. Điều này thể hiện:

            Một là,Trường Đại học Luật Hà Nội có bề dày gần 40 năm hình thành và phát triển song dường như vẫn chưa định hình rõ nét các trường phái lý luận khoa học pháp lý mang dấu ấn của các nhà khoa học là cán bộ, giảng viên của nhà trường.

            Các sản phẩm khoa học được công bố vẫn “dừng lại” ở hệ thống giáo trình, tập bài giảng, sách chuyên khảo, tham khảo; sách hướng dẫn ôn tập, sách bình luận khoa học luật; các kỷ yếu hội thảo, bài viết tạp chí chuyên ngành luật; đề tài NCKH cấp Trường v.v phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Dường như vẫn còn thiếu các công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ, các tác phẩm lớn “để đời” tổng kết việc xây dựng và thi hành pháp luật ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước hoặc các tác phẩm, “sách gối đầu giường” cung cấp hệ thống cơ sở lý luận, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, xây dựng pháp luật … Hay nói cách khác, các sản phẩm nghiên cứu được công bố dường như chưa tạo được tiếng vang, sức lan tỏa mạnh mẽ đối với xã hội nói chung và trong giới luật học nói riêng.

            Hai là, các đề tài NCKH được thực hiện chủ yếu là đề tài NCKH cấp Trường. Số lượng các đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Nhà nước do các nhà khoa học của trường chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu còn ít. Hơn nữa, chúng ta thường phản ứng chậm với những vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị mang tính thời sự của đất nước; chưa kịp thời đưa ra tiếng nói, quan điểm mang tính khoa học trước những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm của đất nước.

            Ba là, các sản phẩm khoa học do các nhà khoa học của trường nghiên cứu chủ yếu được công bố ở các tạp chí chuyên ngành luật trong nước mà ít được công bố tại các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI nên chưa tạo được tiếng vang đối với các cơ sở đào tạo luật nước ngoài (Xem phần phục lục).

            Bên cạnh đó, mặc dù tình hình có sự cải thiện theo hướng tích cực trong một vài năm gần đây song hàng năm số lượng các giảng viên, nhà khoa học của trường tham dự và trình bày tham luận tại các hội nghị khoa học ở nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn.

            Bốn là, các hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường dường như chủ yếu phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo viên, sinh viên, học viên mà chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với yêu cầu, hoạt động của ngành tư pháp. Điều này có nghĩa là còn thiếu các đề tài NCKH cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định các dự án luật; kiểm tra việc thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tư pháp địa phương, thi hành án, quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp v.v.

            Năm là, việc phối hợp, liên kết giữa các nhà khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội với các đồng nghiệp, nhà khoa học ở các cơ sở đào tạo luật khác trong việc đấu thầu dự án, tìm kiếm, vận động các nguồn tài trợ và hợp tác trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả. Chúng ta chưa thực sự chủ động, năng động, sáng tạo đi tiên phong trong hoạt động này ….

2.3. Nhu cầu hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh trong Trường Đại học Luật Hà Nội

            Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và đứng trước thách thức của cuộc Cách mạng kỹ thuật 4.0 thì việc duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của bất cứ một trường đại học nào. Để làm được việc này thì một trong những giải pháp là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế thông qua việc hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là con đường mà các trường đại học lớn trên thế giới và ở Việt Nam đã và đang thực hiện. Trường Đại học Luật Hà Nội không thể không đi theo con đường này trong lộ trình phấn đấu trở thành một trong hai trường trọng điểm về đào tạo luật của quốc gia. Điều này được lý giải bởi các lý do cơ bản sau đây:

            Một là,việc xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ góp phần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học của nhà trường tiếp cận với các chuẩn mực của quốc tế. Bởi lẽ, Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ tập hợp các nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm nghiên cứu của nhà trường đủ khả năng để tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước và tìm kiếm các nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

            Hai là, việc xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ góp phần cải thiện số lượng các công trình công bố quốc tế - đây là lĩnh vực còn yếu của Trường Đại học Luật Hà Nội - do các thành viên tham gia có năng lực, uy tín khoa học và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Vì vậy, Nhóm có thể công bố những kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế chuyên ngành luật có uy tín.

            Ba là, việc xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư có trọng điểm; sự tạo điều kiện về mọi mặt của nhà trường trong điều kiện các nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

            Bốn là, việc xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội; bởi lẽ, Nhóm nghiên cứu mạnh tập hợp được các nhà khoa học tiêu biểu, uy tín đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng, mang tính chiến lược, dài hạn hoặc có tính đột phá.

            Năm là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Trường Đại học  Luật Hà Nội; bởi lẽ, những sản phẩm nghiên cứu, kết quả khoa học được công bố quốc tế luôn gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học - thành viên Nhóm nghiên cứu mạnh - của Trường Đại học Luật Hà Nội. Sự thành công trong nghiên cứu khoa học của Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ góp phần thực hiện một trong các sứ mạng của Trường Đại học Luật Hà Nội “trở thành trung tâm nghiên cứu, truyền bá khoa học pháp lý” lớn của đất nước như lời phát biểu nhân ngày thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Luật Hà Nội) của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Ngày 09/11/1979) …

3. Định hướng và giải pháp xây dựng hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh trong Trường Đại học Luật Hà Nội

3.1. Định hướng xây dựng hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh trong Trường Đại học Luật Hà Nội

            Một số định hướng cơ bản trong quá trình xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội, cụ thể:

            Một là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội dựa trên việc tập hợp, tuyển chọn các giảng viên, nhà khoa học có uy tín, năng lực nghiên cứu, trình độ chuyên môn cao và có đam mê, nhiệt huyết nghiên cứu khoa học trong việc sáng tạo ra các tri thức mới về luật học.

            Hai là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội đặt trong tổng thể thực hiện chiến lược phát triển nhà trường trở thành một trong hai trường trọng điểm đào tạo luật của quốc gia.

            Ba là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội dựa trên sự tham khảo kinh nghiệm về hình thành, phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh của các trường đại học ở trong và ngoài nước.

            Bốn là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội song hành với việc trao cơ chế thông thoáng, “cởi trói” tạo những điều kiện cần thiết để động viên, khuyến khích sự hăng say, đam mê, sáng tạo, chủ động và độc lập trong nghiên cứu khoa học cho các giảng viên, nhà khoa học.

            Năm là, xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội phải trở thành quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt, rốt ráo, hiệu quả, thiết thực của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các phòng, khoa, trung tâm chuyên môn trong nhà trường….

3.2. Giải pháp xây dựng hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh trong Trường Đại học Luật Hà Nội

            Theo tác giả, các giải pháp chủ yếu để xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội, bao gồm:

            Một là, muốn xây dựng được Nhóm nghiên cứu mạnh trong nhà trường, trước hết phải bắt đầu từ tâm huyết của những nhà khoa học có năng lực và trình độ, có uy tín, giữ vai trò trưởng nhóm. Trưởng nhóm phải tập hợp được đội ngũ, xác định được hướng đi và hướng phát triển cho nhóm. Trưởng nhóm chính là con chim đầu đàn dẫn dắt cả nhóm đi theo. Thành hay bại của nhóm nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào người trưởng nhóm. Trưởng nhóm nghiên cứu phải là nhà khoa học tài năng, có năng lực nghiên cứu, có tư duy sáng tạo, nhạy bén trong khoa học và lại càng thuận lợi khi có uy tín cao cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trưởng nhóm phải là người tâm huyết và có năng lực tổ chức, biết hy sinh, có khả năng ngoại ngữ và tổ chức làm việc của nhóm một cách phù hợp và khoa học.

Hai là, lãnh đạo nhà trường phải có tầm nhìn và chính sách thỏa đáng đầu tư cho nhóm nghiên cứu. Nếu có nhà khoa học đầu ngành mà không có sự đầu tư sẽ không thể có Nhóm nghiên cứu mạnh. Mặt khác, không phải bỗng chốc có nhà khoa học đầu ngành, mà các nhà khoa học phải được quy hoạch, được đào tạo và bồi dưỡng, phải có thời gian để trưởng thành, phải kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những nhà khoa học trẻ và nhóm nghiên cứu tiềm năng để quan tâm bồi dưỡng và đầu tư.

Nếu lãnh đạo nhà trường quan tâm, nhận thức được vai trò quan trọng của các Nhóm nghiên cứu mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, quan tâm đầu tư và vun đắp cho các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu, định hướng phát triển nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, thì nhất định công tác đào tạo của nhà trường sẽ có chất lượng tốt và các nhóm nghiên cứu trong trường sẽ phát triển nhanh và mạnh, tiến tới các nhóm nghiên cứu quốc tế (có sự tham gia thường xuyên của các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài trong nhóm).

Ba là, phải tập hợp được những cán bộ có năng lực nghiên cứu tốt trong nhóm nghiên cứu, thu hút được các nghiên cứu sinh tham gia.

Bốn là, đầu tư cho các Nhóm nghiên cứu mạnh là sự đầu tư trúng, đúng và hiệu quả trong các trường đại học nói chung và trong Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng. Trong bối cảnh cần đẩy nhanh các công bố quốc tế cũng như tăng nhanh các sáng chế, sản phẩm khoa học, công nghệ (KHCN) trong trường đại học, thì việc quan tâm đầu tư bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại và điều kiện làm việc cho các Nhóm nghiên cứu mạnh là nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự thành công của hoạt động KHCN cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Năm là, phải thiết lập và xây dựng được những mối quan hệ hợp tác mạnh (trong và ngoài nước). Vì chỉ có phát huy tốt các quan hệ hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, các nhóm nghiên cứu mới có thể phát huy được thế mạnh của các nghiên cứu liên ngành, mau chóng  hội nhập và tiếp cận trình độ, chuẩn mực quốc tế.   

Sáu là, phải xác định và hình thành được hướng nghiên cứu hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khoa học sẽ là tiềm năng phát triển tốt cho nhóm nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy, chọn hướng đi đúng để tập hợp và xây dựng nhóm nghiên cứu có vai trò quan trọng để phát triển một Nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu mạnh phải có định hướng nghiên cứu riêng độc đáo, xuất phát từ những tư tưởng và hệ tiền đề mới, cách tiếp cận mới, đặc sắc của riêng mình. Có như vậy, nhóm nghiên cứu mới khẳng định được vai trò, vị thế trong cộng động khoa học và phát triển bền vững.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Đỗ Ngọc Diệp (2015): Nhóm nghiên cứu mạnh vừa là phương thức vừa là mục tiêu để phát triển đại học nghiên cứu; Nguồn: vusta.vn, thứ sáu ngày 27/11/2015 14:29.

            2. Trương Quang Học (2015): Xây dựng Nhóm nghiên cứu: Kinh nghiệm quốc tế; Nguồn: iasvn.org, thứ tư ngày 09/05/2018.

3. Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội (bản điện tử) (2018): Phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học - Xu thế tất yếu, 15:06:46 Ngày 11/05/2018 GMT+7.

4. Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Qũy Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ.

 

Phụ lục

TỔNG HỢP CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG 05 NĂM (2013-2018) CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

I. Danh mục bài báo, tạp chí

TT

Tác giả

Bài viết

Tạp chí

Số/Năm

1

Nguyễn Văn Quang

Establishing Regional Courts:  A quest for judicial independence in Vietnam

European – Asian Journal of Law and Governance

1/2013

2

Nguyễn Văn Quang

Judicially reviewable administrative actions: the development of Vietnamese justice

Law and Politics in Africa, Asia and Latin America

4/2013

3

Nguyễn Văn Quang

The application of procedural requirements for administrative decisions making in Vietnam’s judicial practice

The Topical Issues of Public Law

4/2015

4

Phan Thị Lan Hương

The Role of Vietnamese Government in Legislation
– in Comparison with Japan

CALE Discussion Paper

Số 11

Tháng 9/2014

5

Nguyễn Bá Bình và Pornchai Wisuttisak

The Regulatory and Commercial Environment for Franchising in Thailand in the Wake of the ASEAN Integrating Market

 

IIUM Law Journal

Số 24 (1)/2016

6

Nguyễn Bá Bình và Andrew Terry

 

Meeting the Challenges for Franchising in Developing Countries: the Vietnamese Experience

Journal of Marketing Channels

Số 21:3/2014

7

Nguyễn Thanh Tâm (Khoa PLTMQT)

The World Trade Organization's (WTO's) Impact on the Law and Policy of Vietnam from 2007 onwards

ASLI Working Paper Series, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore (NUS)

2013

8

Phạm Thị Giang Thu (Khoa PLKT)

Imporovement of Law on Anti-Money Laundering through Vietnamese

Commercial Banking System in Vietnam - Some Lessons from some

ASEAN Countries’ Anti-Money laundering Law

IAFOR Journal of Politics, Economics & Law

9/2016

9

Nguyễn Hải Yến (Khoa PLKT)

Public Debt and Improvement of Laws on Public Debt Management in Vietnam,

IAFOR Journal of Politics, Economics & Law

9/2016

10

Nguyễn Thị Kim Ngân (Khoa PLQT)

The Process of Viet Nam's Preparation of the National Report under the United Nations Human Rights Council's Universal Periodic Review,

Asia – Pacific Journal on Human Rights and the Law

17(2016),

11

Vương Thanh Thuý (Khoa PLDS)

Chapter Vietnam, International Procurement

Tạp chí West Law

2014

12

Đỗ Thị Tiến Mai

Hậu tố chỉ tên thân mật trong truyện cổ tích dân gian Nga

Tiếng Nga ở nước ngoài

22/2015

13

Đỗ Thị Tiến Mai

Hình thái học của trạng từ

Tiếng Nga ở nước ngoài

23/2017

 

II. Danh mục sách xuất bản

TT

Chủ biên/Tác giả

Tên sách

Nhà xuất bản

Năm xuất bản

  1.  

 Nguyễn Văn Quang (đồng tác giả)

‘Vietnam’, In International Encyclopedia of Laws: Environmental Law

NL:  Kluwer Law International

2013

  1.  

Nguyễn Văn Quang (đồng tác giả)

Festchrift fur Jurgen Kessler

Verlag Dr. Kovac, Hamburg

2015

  1.  

Nguyễn Văn Quang (đồng tác giả)

 

Challenges for Studying Law Abroad in the Asian Region:

 Programs for Asian Global Legal Professions Series II

 

Keio University Press

2018

  1.  

 Phan Thị Lan Hương

(Đồng tác giả)

Chapter 1 - Current Legal Education in Hanoi Law University

Book: Comparative Legal Education from Asian Perspective

Keio University Press

2017

5

Phan Thị Lan Hương

(Đồng tác giả)

Chapter 5,6: Every child is protected; Every Child participates

Book: Situation Analysis on of Children in Ho Chi Minh City – Vietnam

Unicef Vietnam

2017

6

Nguyễn Bá Bình (viết 1 mình)

Franchising Law and Practice in Vietnam

 

Scholars’ Press, Saarbrucken, Germany

2014

7

Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Bá Bình

Textbook international Trade and Business Law

 

The people’s public Security Publishing house, Hanoi, Viet Nam

2012

 

(Nguồn:  Thông tin do Phòng QLKH& TSTC cung cấp)

 

 

 

 

 

 


[1] Đỗ Ngọc Diệp (2015): Nhóm nghiên cứu mạnh vừa là phương thức vừa là mục tiêu để phát triển đại học nghiên cứu; Nguồn: vusta.vn, thứ sáu ngày 27/11/2015 14:29

[2] Trương Quang Học (2015): Xây dựng Nhóm nghiên cứu: Kinh nghiệm quốc tế; Nguồn: iasvn.org, thứ tư ngày 09/05/2018

[3] Khoản 6 Điều 2 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Qũy Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ

[4]“1. Đối với tổ chức chủ trì đề tài:

a) Các tổ chức khoa học và công nghệ có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài.

b) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức, chủ trì đối với các đề tài đã được Qũy tài trợ quy định tại Khoản 1 và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Thông tư này.

2. Đối với chủ nhiệm đề tài:

a) Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài, đang làm công tác nghiên cứu tại một tổ chức khoa học và công nghệ. Trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, phải được một tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam uy tín trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì.

b) Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: có học vị tiến sĩ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

c) Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp Chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài.

d) Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì, tham gia đề tài theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 Thông tư này.

3. Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:

a) Thành viên nghiên cứu chủ chốt, thư ký khoa học: có học vị tiến sĩ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

Trường hợp là thạc sĩ phải có kết quả nghiên cứu phù hợp, có 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật;  01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín hoặc 01 sách chuyên khảo đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

b) Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

c) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác” (Khoản 1, 2,3 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN)

[5] Tạp chí ISI có uy tín

a) Đối với lĩnh vực khoa học tư nhiên và kỹ thuật, tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí khoa học chất lượng hàng đầu của các ngành thuộc lĩnh vực, được lựa chọn từ tạp chí quốc tế uy tín, được Hội đồng quản lý Qũy quyết định trên cơ sở tư vấn của các Hội đồng khoa học ngành.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí thuộc các danh mục AHCI (Art and Humanities Citation Index) hoặc SSCI (Social Science Citation Index) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ) (khoản 4 Điều 2  Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN)