Tọa đàm bộ môn Luật Thương mại

Đăng vào 19/03/2019 06:16

BỘ MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI TỔ CHỨC TỌA ĐÀM KHOA HỌC

“CÁC QUY ĐỊNH VỀ BAN KIỂM SOÁT TRONG DOANH NGHIỆP –

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN”

 

            aaNgày 12/03/2019 vừa qua, bộ môn Luật Thương mại đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ với chủ đề “Các quy định về Ban kiểm soát trong doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do báo cáo viên là PGS.TS.Trần Ngọc Dũng thực hiện. Buổi sinh hoạt chuyên môn có sự tham dự của PGS.TS.Nguyễn Quang Tuyến – Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, TS. Nguyễn Quý Trọng – Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Ths. Hoàng Minh Chiến – Trưởng bộ môn Luật Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, TS.Nguyễn Thị Nga – Trưởng bộ môn Luật Đất đai, TS.Nguyễn Thị Yến – Phó trưởng bộ môn Luật Thương mại, Ths.Phạm Quý Đạt – Viện Luật So sánh, cùng với các giảng viên các bộ môn trong khoa và các giảng viên bộ môn Luật Thương mại, Khoa Pháp luật Kinh tế.

Bài trình bày của PGS.TS.Trần Ngọc Dũng đã chỉ ra được một cách căn bản thực trạng pháp luật về ban kiểm soát trong doanh nghiệp, tính cấp thiết của việc hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát viên và ban kiểm soát. Trên cơ sở đó, bài trình bày đã đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện các quy định về ban kiểm soát trong doanh nghiệp, cũng như các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả các quy định về ban kiểm soát trong doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Trên cơ sở bài trình bày của PGS.TS.Trần Ngọc Dũng, tập thể giảng viên bộ môn Luật Thương mại cùng các khách mời đã phân tích, làm rõ những vấn đề khoa học, thảo luận về các vấn đề lý luận, thực tiễn, pháp lý và đưa ra một số quan điểm phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy về ban kiểm soát trong doanh nghiệp. Theo TS.Nguyễn Thị Yến, bài trình bày đã đưa ra được một số giải pháp mới mang tính đột phá trong việc nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Ban kiểm soát trong doanh nghiệp, ví dụ: việc nghiên cứu xây dựng quy chế về ban kiểm soát trong công ty hợp danh, cần quy định cụ thể hơn về chế độ lương, thưởng đối với ban kiểm soát trong doanh nghiệp, chế độ làm việc chuyên trách của Ban kiểm soát hay việc bổ sung quyền khởi kiện của Kiểm soát viên đối với chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban Giám đốc...Bên cạnh  ý kiến của TS.Nguyễn Thị Yến, Ths.Phạm Quý Đạt – Viện Luật So sánh cũng một lần nữa khẳng định thêm về vị trí, vai trò của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Theo thầy Đạt, bài trình bày đã đưa ra một số ý tưởng có giá trị cao trong nghiên cứu và giảng dạy, ví dụ như hiện tại pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam chưa quy định cụ thể về chế độ làm việc kiêm nhiệm hay chuyên trách của thành viên Ban Kiểm soát, qua đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kiểm tra, giám sát của Kiểm soát viên; hay cần phải quy định về những nguyên tắc nhằm xác định chế độ lương thưởng của Kiểm soát viên, Ban Kiểm soát trong từng thời kỳ...Trong khi đó, theo quan điểm của PGS.TS.Nguyễn Viết Tý, các quy định hiện tại của Luật Doanh nghiệp về Ban kiểm soát nhìn chung đã tương đối đầy đủ và không cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung.

Ngoài các ý kiến trên, buổi sinh hoạt chuyên môn cũng ghi nhận thêm một số ý kiến nổi bật khác nhằm đóng góp hoàn thiện các quan điểm khoa học về vấn đề này.

 Đánh giá các giải pháp mà PGS.TS.Trần Ngọc Dũng đưa ra, Ths.Hoàng Minh Chiến – Trưởng bộ môn Luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về Ban kiểm soát trong doanh nghiệp được đưa ra trong bài trình bày không hẳn chỉ dừng lại ở góc độ nghiên cứu mà hoàn toàn có thể áp dụng được vào thực tế dưới hình thức các quy định pháp luật mang tính tùy nghi, không bắt buộc phải áp dụng trong mọi trường hợp. Nói cách khác, pháp luật chỉ nên cung cấp tiện ích, sự lựa chọn cho các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu xây dựng bộ máy quản lý phù hợp thay vì đặt ra các quy định mang tính bắt buộc, can thiệp quá sâu vào quá trình quản trị nội bộ của doanh nghiệp…

Buổi sinh hoạt chuyên môn đã diễn ra với các ý kiến tranh luận, góp ý sôi nổi nhằm đi đến những cách hiểu thống nhất về các vấn đề lý luận, thực tiễn và pháp lý xoay quanh Ban kiểm soát trong doanh nghiệp. Có thể nói, những ý kiến được đưa ra thực sự là nguồn tham khảo vô cùng hữu ích phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bộ môn trong thời gian tới./.