HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP KHOA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Đăng vào 26/11/2022 14:31

HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP KHOA

TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VIỆT NAM –

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

Ngày 24/11/2022, Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức tổ chức Hội thảo khoa học cấp Khoa với chủ đề: Trọng tài thương mại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS Nguyễn Quang – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Tình – Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại; TS. Nguyễn Thị Diễm Anh – Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; Ths. HGV Phan Trọng Đạt – Trung tâm Hòa giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; LS Lưu Ngọc Quang – Ban thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; LS Hà Huy Phong – Công ty Luật TNHH Inteco… cùng đông đảo các khách mời đến từ các cơ sở đào tạo luật khác.

Về phía khoa Pháp luật Kinh tế có: PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; TS Nguyễn Thị Yến – Trưởng bộ môn Luật Thương mại (đồng chủ trì Hội thảo); TS Bùi Ngọc Cường – Nguyên Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng bộ môn Luật Tài chính ngân hàng; PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy – Phó trưởng bộ môn Luật Môi trường; TS Phạm Thu Thủy – Phó trưởng bộ môn Luật Đất đai; các thầy cô giáo của Khoa Pháp luật Kinh tế, các thầy cô giáo ở các khoa khác thuộc trường; và các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Luật Hà Nội.

Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phát biểu khai mạc, nêu rõ mục đích của Hội thảo là phân tích, đánh giá các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 dưới góc độ lý luận và thực tiễn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trọng tài. Hội thảo được tổ chức với sự chuẩn bị về chuyên môn của các thầy cô chuyên nghiên cứu, giảng dạy pháp luật trọng tài; các chuyên gia chuyên về thực tiễn hoạt động trọng tài; và được tài trợ kinh phí bởi Viện FES. Tiếp theo, đại diện Viện FES phát biểu, trân trọng sự hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung, Khoa Pháp luật Kinh tế nói riêng với Viện FES trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách, góp ý sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành; và mong muốn tiếp tục được hợp tác với Trường trong thời gian tới.

Sau phần khai mạc, các diễn giả trình bày ngắn gọn các bài viết của mình, gồm: PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (chuyên đề 1: Thực trạng thi hành Luật Trọng tài thương mại 2010 và một số giải pháp hoàn thiện); TS Nguyễn Thị Yến (chuyên đề 2: Thực trạng pháp luật về sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam); TS Trần Thị Bảo Ánh (chuyên đề 3: Thực trạng đội ngũ trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ của trọng tài viên); TS Nguyễn Như Chính (chuyên đề 4: Thực trạng thực hiện pháp luật về thỏa thuận trọng tài theo quy định pháp luật Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện); TS Dương Văn Hậu (chuyên đề 5: Cơ hội và thách thức của trọng tài trực tuyến ở Việt Nam). Các diễn giả chủ yếu tập trung đánh giá thực trạng các quy định hiện hành về các vấn đề cơ bản của Luật Trọng tài thương mại năm 2010; chỉ ra các bất cập, vướng mắc của pháp luật khi áp dụng vào thực tiễn; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trọng tài trong thời gian tới.

Đan xen với phần trình bày của các diễn giả là các ý kiến trao đổi, tranh luận của các chuyên gia từ các cơ sở đào tạo; đặc biệt là ý kiến của các luật sư, những người đang làm việc trực tiếp tại các trung tâm trọng tài. Hội thảo càng về cuối càng sôi nổi, hấp dẫn vì sự trao đổi ý kiến từ những người nghiên cứu và những người hành nghề thực tiễn. Từ những tranh luận đó, nhiều vấn đề của pháp luật trọng tài đã được làm sáng tỏ, như: tiêu chuẩn, thực trạng trọng tài viên; bất cập trong việc áp dụng pháp luật về hủy phán quyết trọng tài; trọng tài trực tuyến - cơ hội và những gợi mở để xây dựng khung pháp lý điều chỉnh… Đến cuối giờ hội thảo, vẫn còn những ý kiến muốn trao đổi để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến pháp luật trọng tài.

Hội thảo kết thúc và đã thành công tốt đẹp. Hy vọng trong thời gian tới, với sự sát cánh của Viện FES và sự tâm huyết của các thầy cô, các chuyên gia thực tiễn trong các lĩnh vực, Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và Khoa Pháp luật Kinh tế nói riêng sẽ tổ chức được nhiều hội thảo hay và bổ ích về các vấn đề nóng của xã hội mà pháp luật cần điều chỉnh, mang lại nhiều giá trị thiết thực hơn cho hoạt động xây dựng pháp luật và nghiên cứu, đào tạo pháp luật tại Việt Nam

                                                                            TS Nguyễn Thị Yến