HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TẠI VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG CHO SINH VIÊN NHẰM NÂNG CAO Ý THỨC VÀ HIỆU QUẢ HỌC TẬP LUẬT MÔI TRƯỜNG

Đăng vào 25/05/2021 12:35

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của cuộc thi “Sinh viên với môi trường- SE” theo kế hoạch số 545/KH – ĐHLHN ngày 24 tháng 02 năm 2021 và được sự chỉ đạo quan tâm của Ban chủ nhiệm Khoa, ngày 21/04/2021 Bộ môn Luật Môi trường đã tổ chức chuyến tham quan trải nghiệm thực tế 01 ngày tại Vườn Quốc gia Cúc Phương cho 05 đội lọt vào đêm chung kết.

     Ban tổ chức đã lựa chọn vườn Quốc gia Cúc Phương là điểm tham quan bởi đây là khu rừng đặc dụng có hệ động thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và đang được bảo tồn.

     Trưởng đoàn là TS. Nguyễn Văn Phương, trưởng Bộ môn Luật Môi trường. Các thành viên tham gia bao gồm: đại diện đoàn thanh niên Trường đại học Luật Hà Nội; các Thầy cô trong Bộ môn Luật môi trường, đặc biệt nhân vật chính là các em sinh viên của các đội thi đêm chung kết của cuộc thi. Chuyến dã ngoại có sự hỗ trợ của 02 hướng dẫn viên chương trình Hành trình hoang dã “Wild footprint”- Một chương trình khám phá thiên nhiên đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục nâng cao sự hiểu biết về thiên nhiên môi trường.

      Trong chuyến dã ngoại các thành viên đã tham quan các điểm như: Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật là nơi cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng Cúc Phương địa điểm cứu hộ từng cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tình, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám). Bảo tàng Cúc Phương là địa điểm nghiên cứu, tham khảo những mẫu vật quan trọng cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật.

     Thông qua buổi dã ngoại vui vẻ và tràn ngập năng lượng tích cực vì được hòa mình vào thiên nhiên, các thành viên trong đoàn  đã thu được nhiều kiến thức hữu ích  về bảo tồn thiên nhiên. Qua chuyến trải nghiệm thực tế này, các nội dung của môn học Luật Môi trường như: pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng… đã trở nên thật sống động và dễ hiểu.

    Tiếp nối những kết quả tích cực từ chuyến trải nghiệm thực tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương, trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm Khoa pháp luật Kinh tế cùng các Bộ môn sẽ nỗ lực kết hợp với các đơn vị tài trợ để có thể tiếp tục tổ chức hoạt động bổ ích này nhằm đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy tạo hứng thú cho người học, qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo.

                                                                      Thạc sĩ: Nguyễn Thị Hằng