CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH LUẬT KINH TẾ - MỘT SỐ GÓP Ý TỪ HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT KINH TẾ

Đăng vào 24/05/2021 13:31

CHUẨN ĐẦU RA NGÀNH LUẬT KINH TẾ - MỘT SỐ GÓP Ý TỪ HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT KINH TẾ

----------------------------

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến

            Tóm tắt: Nội dung bài viết đưa ra một số góp ý về hoàn thiện chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế dựa trên những kết quả rà soát chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế hệ cử nhân. Bài viết xin góp một tiếng nói đóng góp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

            Từ khóa: Chuẩn đầu ra, ngành Luật Kinh tế, chương trình đào tạo, Luật Thương mại, Luật Lao động, Luật Tài chính - Ngân hàng, Luật Đất đai, Luật Môi trường v.v

1. Khái quát về chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế[1]

1.1. Khái niệm chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế

i) Quan niệm của thế giới về chuẩn đầu ra

            Để hiểu như thế nào về chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế, hay nói cách khác chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế là gì thì trước tiên cần phải tìm hiểu khái niệm về chuẩn đầu ra. Theo bài viết “Tổng quan về chuẩn đầu ra dành cho chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội” của ThS. Nguyễn Anh Thơ - Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, trên thế giới không có một khai niệm thống nhất về chuẩn đầu ra. Khái niệm này được hiểu tùy theo quan niệm của từng trường; cụ thể:

- Chuẩn đầu ra là một bản cam kết về kỳ vọng mà sinh viên có thể đạt được như là kết quả của việc học tập (Jenkins and Unwin, 2001).

- Chuẩn đầu ra là một bản cam kết về những việc mà người học sẽ biết hoặc có thể làm được sau khi trải qua quá trình học tập. Chuẩn đầu ra thường được mô tả theo các mục như kiến thức hoặc thái độ (Tổ chức Thư viện Luật Hoa Kỳ).

- Chuẩn đầu ra là một bản mô tả rõ ràng những điều người học nên biết, hiểu và có thể làm được sau khi trải qua quá trình học tập (Bingham, 1999).

- Chuẩn đầu ra là bản cam kết về việc người học được kỳ vọng biết, hiểu và/hoặc có thể thực hành được sau khi hoàn thành quá trình học tập (ECTS User’s Guide, 2015).

- Chuẩn đầu ra là những cam kết rõ ràng về yêu cầu của đại học đối với sinh viên phải biết, hiểu hoặc có thể thực hành được sau khi hoàn thành các khóa học của UNSW (Đại học New South Wales, Úc).

- Chuẩn đầu ra mô tả khả năng sinh viên có thể thực hiện được về kiến thức, kỹ năng và thái độ sau khi hoàn thành một chương trình (Ban Cải tiến chất lượng, Đại học Texas) v.v.

Như vậy, cho dù các các quan niệm khác nhau song về cơ bản chuẩn đầu ra của mỗi khóa học hay một chương trình đào tạo bao gồm một hệ thống các giá trị, tiêu chí chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học cần phải đạt được sau khi kết thúc khoa học hay kết thúc chương trình đào tạo.

ii) Quan niệm của Việt Nam về chuẩn đầu rư

Trong ngôn ngữ tiếng Việt thì chuẩn được hiểu là: “Cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng; cái được định ra thành tiêu chuẩn; cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen phổ biến trong xã hội”[2].

Theo Điều 3 quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 16/04/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “ Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện để đảm bảo thực hiện”.

Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/05/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học đã nhấn mạnh hơn về sự tham gia chủ động của người học trong quá trình đào tạo; theo đó: “Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở giáo dục cam kết với người học, xã hội và công bố công khai với các điều kiện đảm bảo thực hiện”…

Ở nước ta, về cơ bản, chuẩn đầu ra được tiếp cận theo hai khía cạnh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, chuẩn đầu ra trong mối quan hệ với chương trình đào tạo.

Theo khía cạnh này, chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo có mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau. Theo tài liệu hướng dẫn xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, chuẩn đầu ra thể hiện những mục tiêu cụ thể trong chương trình đào tạo bao gồm các nội dung và mức độ về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra được thể hiện dưới dạng văn bản cụ thể, được trình bày thành một danh sách các yêu cầu có thể đo lường và đánh giá được. Trong cách tiếp cận này, có thể thấy mục tiêu của chương trình đào tạo là đích để hướng đến còn chuẩn đầu ra là kết quả thực tế đạt được của các mục tiêu đó[3]. Như vậy, có thể hiểu chương trình đào tạo phản ánh những mục tiêu mà người thiết kế và giảng viên, sinh viên cùng thực hiện; chuẩn đầu ra thể hiện sự kỳ vọng của cơ sở đào tạo, người dạy, người học về việc sẽ học được gì, làm được gì sau khi tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra chính là “hệ giá trị” mà cơ sở đào tạo cam kết với người học về chất lượng đào tạo thể hiện qua sự hài lòng hay không hài lòng và những kết quả đạt được trong hoạt động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp[4].

Thứ hai, chuẩn đầu ra trong mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và nhu cầu xã hội.

Đây có thể được coi là mức độ tối thiểu mà người học sau khi tốt nghiệp chương trình đó với những tiêu chí về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng, thái độ, nhận thức. Khi xem xét chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo, nhà tuyển dụng có thể biết được người lao động đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng cụ thể nào từ cơ sở đào tạo và có thể ứng dụng trong công việc thực tiễn hay không. Trong trường hợp này, chuẩn đầu ra chính là cam kết của cơ sở đào tạo với người tuyển dụng và xã hội. Cam kết này thể hiện trách nhiệm về chất lượng giáo dục và đào tạo của cơ sở đào tạo để xã hội giám sát, phản biện.

Như vậy, từ hai cách tiếp cận trên đây có thể hiểu chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Việc xây dựng chương trình đào tạo phải kết hợp hài hòa giữa nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao với những nguyên lý, nền tảng tri thức khoa học giáo dục[5].

iii) Quan niệm về chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế

            Trên cơ sở phân tích, đánh giá khái niệm về chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo có thể hiểu chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế như sau: Chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật Kinh tế, được Trường Đại học Luật Hà Nội cam kết với người học, xã hội và công bố công khai với các điều kiện đảm bảo thực hiện.

1.2. Nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế

i) Yêu cầu về khối kiến thức được trang bị

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ có các kiến thức sau đây:

Thứ nhất, khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm: Kiến thức chung về chính trị, kinh tế, văn hoá, lịch sử, tâm lý, quản lý là nền tảng cho việc tiếp nhận tri thức về nhà nước và pháp luật của chương trình đào tạo đại học luật; kiến thức về tin học và về một số lĩnh vực khác cần thiết cho việc thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực pháp luật.

Thứ hai, khối kiến thức ngành là kiến thức nền tảng thuộc ngành Luật Kinh tế, bao gồm: Pháp luật thương mại và cạnh tranh, pháp luật lao động và an sinh xã hội, pháp luật tài chính ngân hàng, pháp luật về đất đai, pháp luật môi trường và pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Sinh viên cũng được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn về nhà nước và pháp luật nói chung; kiến thức về pháp luật và thực tiễn pháp lý Việt Nam hiện hành thuộc các lĩnh vực pháp luật cơ bản đủ cho phép sinh viên có khả năng áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong đời sống xã hội; kiến thức về pháp luật quốc tế.

Thứ ba, khối kiến thức chuyên ngành: Sinh viên được tự chọn để nắm vững tri thức về một số các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành như: hợp đồng trong thương mại, đầu tư, tài chính doanh nghiệp, kinh doanh bảo hiểm, quản trị nhân sự, pháp luật về tài chính doanh nghiệp, thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, môi trường trong kinh doanh, bồi thường và giải phóng mặt bằng, thương mại quốc tế và kinh doanh xuất nhập khẩu, …

ii) Yêu cầu về kỹ năng

            Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ có các kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng bổ trợ. Trong đó:

Thứ nhất, kỹ năng chuyên môn: Là những kỹ năng mà sinh viên cần đạt được để có khả năng vận dụng một cách tương đối thuần thục những kiến thức chuyên môn vào thực tiễn, bao gồm: i) Kỹ năng tìm kiếm, phân tích và đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan đến pháp luật kinh tế; ii) Kỹ năng phân tích các tình huống thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật kinh tế và đưa ra giải pháp chuyên môn để giải quyết các tình huống đó; iii)  Kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề mang tính lý luận thuộc lĩnh vực pháp luật kinh tế; iv) Kỹ năng tư vấn thực hiện pháp luật kinh tế; v) Kỹ năng ứng phó, xử lý một cách kịp thời, đúng pháp luật đối với các tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống và công việc; vi) Kỹ năng đàm phán và soạn thảo các văn bản có tính pháp lý phục vụ cho các công việc thuộc lĩnh vực pháp luật kinh tế.

Thứ hai, kỹ năng bổ trợ: Là những kỹ năng mà sinh viên cần đạt được nhằm nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn, thích nghi với môi trường làm việc khác nhau và hòa nhập cộng đồng, bao gồm: i) Kỹ năng tự cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ; ii) Kỹ năng lập kế hoạch công việc; iii) Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và bảo vệ quan điểm của mình; iv) Kỹ năng tư duy và lập luận pháp lý; v) Kỹ năng phối hợp với các đồng nghiệp (làm việc nhóm); vi) Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thông dụng (một trong các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung) ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề liên quan đến pháp luật; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt một số tình huống pháp luật thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến pháp luật (Về Ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ Ngoại ngữ Bậc 3, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam);

Thứ ba, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cơ bản (gồm đủ 6 mô đun cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT).

2. Đánh giá về chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế tham chiếu từ hoạt động rà soát chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế

2.1. Về thành công

Về cơ bản, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế được xây dựng dựa trên các tiêu chí cần đạt được của chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế. Do đó, nội dung chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế khá phù hợp và tương thích với yêu cầu chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế. Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế được thiết kế với 4 nhóm môn học, bao gồm:

- Nhóm các môn học cơ sở cung cấp khối lượng kiến thức chung; trang bị cho sinh viên những kiến thức, cơ sở lý luận về nhà nước và pháp luật; kiến thức cơ bản của các lĩnh vực pháp luật về hiến pháp, hành chính, tố tụng hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế v.v trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc tiếp cận các môn học này, giúp sinh viên được trang bị một cách hệ thống, bài bản kiến thức chung về hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Nhóm kiến thức chuyên ngành bao gồm các môn học về pháp luật kinh tế. Đây chính là nội dung cốt lỗi tạo sự khác biệt của chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế với các chương trình đào tạo luật khác như chương trình đào tạo luật học, chương trình đào tạo tiếng Anh Pháp lý ... Tiếp cận các môn học pháp luật thương mại, pháp luật lao động, pháp luật tài chính - ngân hàng, pháp luật đất đai, pháp luật môi trường, pháp luật cạnh tranh v.v, sinh viên được trang bị hệ thống cơ sở lý luận, kiến thức chuyên sâu về pháp luật kinh tế. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kiến thức về kinh tế học - môn học bổ trợ của chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế.

Các môn học nền tảng của ngành Luật Kinh tế là môn học bắt buộc gồm Luật Thương mại (1&2); Luật Lao động; Luật Tài chính - Ngân hàng; Luật Đất đai; Luật Môi trường; Luật Cạnh tranh ... Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế còn có các môn học tự chọn như Luật Đầu tư, Luật An sinh xã hội, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản v.v.

- Nhóm kiến thức đại cương về chính trị, lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ ... được thiết kế là một phần không thể thiếu được trong chương trình đào tạo mà ngành Luật Kinh tế gồm triết học, kinh tế - chính trị, lịch sử đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học, lô gic v.v. Tiếp cận các môn học này, sinh viên được trang bị kiến thức về tư duy lô gic; tư tưởng, học thuyết chính trị v.v.

- Nhóm các môn học kỹ năng thuộc học phần tự chọn cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng cơ bản, cần thiết cho một chuyên gia pháp luật về lĩnh vực kinh tế như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng phân tích, đánh giá chứng cứ; kỹ năng lập luận lô gic, kỹ năng thuyết trình v.v. Các kỹ năng này được chuyển tải trong quá trình sinh viên nghiên cứu những môn học như kỹ năng tư vấn hợp đồng thương mại; kỹ năng tư vấn pháp luật lao động; kỹ năng tư vấn pháp luật thuế và kỹ năng tư vấn pháp luật đất đai v.v.

- Sự phân chia số tín chỉ, thời gian giảng dạy giữa các môn học đại cương, các môn học pháp luật chung, các môn học chuyên ngành Luật Kinh tế và các môn kỹ năng đã thể hiện định hướng nghiên cứu trong sứ mạng của Trường Đại học Luật Hà Nội với số tín chỉ các môn học luật nội dung vượt trội hơn so với các môn học kỹ năng và các môn học tự chọn.

2.2. Một số khó khăn, tồn tại trong xây dựng chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế

Một là, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế chưa thể hiện tính nổi trội, khía cạnh đặc thù của chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế; bởi nó bị giới hạn số tín chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hơn nữa, chiếm gần ¼ tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo là các môn học chính trị Mác - Lê nin với thời lượng và số tín chỉ bắt buộc được quy định cứng, không được thay đổi. Các môn học Luật Kinh tế được thiết kế cố định trong số lượng tín chỉ có hạn nên dường như chưa thể hiện được tính nổi trội, đặc thì của chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế so với các chương trình đào tạo Luật học; chương trình tiếng Anh Pháp lý.

Hai là, các môn học được thiết kế trong chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế dường như ổn định, bền vững qua nhiều năm thực hiện và ít có thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự phát triển, vận động nhanh chóng của nền kinh tế thị trường chịu sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện các môn học về kế toán, thống kê; quản trị kinh doanh; kinh tế - luật; marketing; logistic; franchise; soạn thảo, ký kết hợp đồng điện tử và pháp luật kinh doanh thương mại của các nước; nội dung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU v.v chưa được đưa vào chương trình giảng dạy.

Ba là, các môn học của Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế được thiết kế trong chương trình giảng dạy ngành Luật Kinh tế mới ”dừng lại” ở việc cung cấp các kiến thức lý thuyết đại cương do bị giới hạn bởi số tín chỉ. Hơn nữa, sự tích hợp, giao thoa giữa các môn pháp luật thương mại quốc tế và các môn học pháp luật kinh tế dường như chưa thể hiện sự gắn kết chặt chẽ trong chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế.

Bốn là, nội dung chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế được thiết kế dường như nghiêng về giảng dạy lý thuyết; tính kinh viện, hàn lâm vẫn chiếm  ”âm hưởng” chủ đạo. Đành rằng chương trình này thiết kế một số lượng tín chỉ nhất định dành cho thảo luận, thuyết trình song với phương pháp giảng dạy truyền thống chưa thực sự kích thích tính chủ động, độc lập, sáng tạo trong học tập của sinh viên; thể hiện thiếu các buổi tranh luận theo mô hình Moot court; chưa thiết kế thời lượng để tham quan thực tế các phiên tòa xét xử tranh chấp về kinh doanh; các phiên làm việc của trọng tài thương mại cũng như các buổi nói chuyên, trao đổi về thực tiễn hành nghề luật của các luật sư, các thẩm phán, trọng tài viên v.v.

Năm là, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế chưa thiết kế một số môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh; ”vắng bóng” sự tham gia giảng dạy của các giảng viên, chuyên gia nước ngoài; các luật sư, các thẩm phán, trọng tài viên, các nhà quản lý; các chuyên gia kinh tế, các học giả, chính khách v.v còn rất ít.

2.3. Một số góp ý về chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế từ hoạt động rà soát chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế

            Trên cơ sở thực hiện hoạt động rà soát chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế, bước đầu đưa ra một số góp ý góp phần về chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế như sau:

            Một là, khối lượng kiến thức về kinh tế được đề cập trong nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế còn chung chung chưa cụ thể. Người viết cho rằng cần bổ sung cụ thể khối lượng kiến thức về kinh tế trong nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế như sinh viên được trang bị các kiến thức về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế doanh nghiệp; tài chính doanh nghiệp, thanh toán quốc tế, quản trị - kinh doanh v.v. Có như vậy mới tạo ra sự khác biệt giữa chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế so với chuẩn đầu ra của các mã ngành khác như mã ngành Luật học, tiếng Anh Pháp lý v.v.

            Hai là, các kỹ năng chuyên môn chưa phản ánh những đặc thù công việc của một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực kinh tế. Phần lớn các kỹ năng này mọi sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội đều cần phải có. Khi đọc vào nội dung các kỹ năng chuyên môn của chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế, nhà tuyển dụng là các doanh nghiệp, công ty dường như chưa thấy được sự khác biệt, tính đặc thù về kỹ năng chuyên môn mà các công việc thuộc lĩnh vực kinh tế đòi hỏi sinh viên cần phải được trang bị.

            Ba là, các kiến thức về luật học nói chung được đề cập trong nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế còn chung chung. Thiết nghĩ sinh viên theo học mã ngành Luật Kinh tế cần phải được trang bị những kiến thức nền, cơ sở về luật học thông qua việc nghiên cứu các môn như lý luận nhà nước và pháp luật; luật hành chính; luật hiện pháp; luật hình sự; luật dân sự; luật tố tụng hình sự; luật tố tụng dân sự ...; vấn đề là thời lượng bố trí các môn học này sao cho phù hợp căn cứ vào mục đích, yêu cầu của mã ngành đào tạo này. Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên đảm nhiệm công việc thực hành nghề luật trong lĩnh vực kinh tế cũng khá thường xuyên ”va chạm” với những vấn đề liên quan đến các ngành luật này như tranh tụng tại tòa án về tranh chấp thương mại; giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thương mại v.v. Hơn nữa, không phải bất cứ sinh viên nào sau khi tốt nghiệp ra trường cũng đều làm việc trong các doanh nghiệp, công ty; bộ quản lý về kinh tế v.v. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức nền, cơ sở về luật học sẽ giúp cho các em nhanh chóng thích nghi và vận dụng vào thực tiễn hoạt động ở những nơi làm việc.

            Bốn là, nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế chưa đề cập đến năng lực và mức độ tự chủ/trách nhiệm của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế. Mặt khác, nội dung của mã ngành này chưa thể hiện rõ nhu cầu/yêu cầu của người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế.

            Năm là, nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế chưa đề cập cụ thể một số môn học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật kinh tế đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay như pháp luật về xuất nhập khẩu; về thanh toán quốc tế v.v.

            Sáu là, nội dung chuẩn đầu ra của mã ngành Luật Kinh tế cần bổ sung một số vấn đề mới về pháp luật kinh tế dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hợp đồng thương mại dưới dạng số; fitech, những vấn đề pháp lý về bitcoin; blockchange; kinhh doanh về nhượng quyền thương mại, logistic v.v.

Danh mục tài liệu tham khảo

A. Tiếng Việt

1. Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế (2019), Kỷ yếu Hội thảo khoa học về chuẩn đầu ra dành cho  chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 28/05/2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội .

2. Nguyễn Anh Thơ (2019), “Tổng quan về chuẩn đầu ra dành cho chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội” - Kỷ yếu Hội thảo khoa học về chuẩn đầu ra dành cho  chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 28/05/2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

3. Trung tâm từ điển học (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

4. Hoàng Thị Hương (2018), Nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học tại nước ta, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 2, tháng 5, tr 86 - 89.

5. Chỉ thị số 7823/CT - BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Dự thảo Quyết định ban hành chuẩn đầu ra mã ngành Luật kinh tế.

B. Tiếng Anh

            7. Mager, R.F (1984), Preparing instructional objectives. 2nd ed, Belmont, California: Pitman Learning.

8. Adam, S (2004), Using Learning Outcomes: A consideration of the nature, role, application and implications for European education of employing learning outcomes at the local, national and international levels. Report on United Kingdom Bologna Seminar, July 2004, Herriot - Wat University.

9. Declan Kenedy, Aine Hyland, Norma Ryan (2019), Writing and Using Learning Outcomes: A Pratical Guide, Nguồn https:// www.fibaa.org/fileadmin/uploads/content_uploads/Writing_and_Using_Learing_Outcomes_01.pdf, ngày 26/5.

10. Gosling, D and Moon, J (2001), How to use Learning Outcomes and Assess-ment Criteria, London: SEEC Office.

 

 

 


[1] Thuật ngữ chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế được đề cập trong bài viết này giới hạn ở phạm vi chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế của chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2] Trung tâm Từ điển học (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng

[3] Hoàng Thị Hương (2018), Nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học tại nước ta, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 2, tháng 5, tr 86 - 89.

[4] Chỉ thị số 7823/CT - BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

[5] Tham khảo bài viết “Tổng quan về chuẩn đầu ra dành cho chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội” của ThS. Nguyễn Anh Thơ đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học về chuẩn đầu ra dành cho  chương trình đào tạo trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội do Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế tổ chức ngày 28/05/2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội