HỘI THẢO KHOA HỌC “LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 – THỰC TIỄN THI HÀNH VÀ YÊU CẦU SỬA ĐỔI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ”

Đăng vào 30/11/2021 09:38

HỘI THẢO KHOA HỌC “LUẬT THƯƠNG MẠI 2005 – THỰC TIỄN THI HÀNH VÀ YÊU CẦU SỬA ĐỔI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ”

          Sáng ngày 29/11/2021, Khoa Pháp luật Kinh tế tổ chức Hội thảo khoa học cấp Khoa “Luật Thương mại 2005 – Thực tiễn thi hành và yêu cầu sửa đổi trong bối cảnh hội nhập quốc tế” với sự chủ trì của TS. Nguyễn Thị Dung - Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, TS. Trần Thị Bảo Ánh - Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại và các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giảng viên, học viên, sinh viên có quan tâm đến nội dung Hội thảo.

        Luật Thương mại năm 2005 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Qua 15 năm thực hiện, Luật Thương mại năm 2005 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động thương mại và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong thời gian qua, Luật Thương mại năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đặt ra yêu cầu sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Hội thảo đã giới thiệu 09 chuyên đề nghiên cứu tập trung vào các nội dung: Cấu trúc của Luật Thương mại; Thương nhân và hoạt động thương mại; Hợp đồng mua bán hàng hoá; Xúc tiến thương mại; Nhượng quyền thương mại; Logistics; Chế tài thương mại; Giải quyết tranh chấp. Trong đó, 06 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo. Các đại biểu đã có những đánh giá đa diện, sâu sắc và đề xuất kiến nghị mang tính tham khảo cao về cấu trúc nội dung; cấu trúc hình thức của Luật Thương mại trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành (quy định về thương nhân, các hoạt động thương mại, chế tài thương mại…) nhằm đáp ứng nguyên tắc thống nhất của văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan ban ngành, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp như Phòng Quản lý Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương; Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Kiểm sát; Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam, Các công ty luật...Hội thảo diễn ra trong hơn ba giờ đồng hồ với không khí thẳng thắn, sôi nổi, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu.

ThS. Nguyễn Ngọc Anh

Bộ môn Luật Thương mại