VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC  LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC THUỘC KHOA PHÁP LUẬT KINH TẾ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Đăng vào 24/05/2021 13:36

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC

 LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC THUỘC KHOA PHÁP LUẬT KINH TẾ TẠI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

--------------------------

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu hóa với mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Trên cơ sở quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bài viết liên hệ, vận dụng vào công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn học thuộc Khoa Pháp luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật.

Các từ khóa: Vận dụng, nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng, nghiên cứu và giảng dạy, các môn học, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội …

Đặt vấn đề

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020; đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định đến giữa thế kỷ XXI, nước ta cơ bản trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Để đạt được mục tiêu tổng quát này, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định các dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Để góp phần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, Bài viết này đi sâu nghiên cứu vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy các môn học thuộc Khoa Pháp luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật.

1. Những quan điểm chủ yếu, cơ bản về phát triển kinh tế thúc đẩy đất nước sớm trở thành nước công nghiệp phát triển đến năm 2045 của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho thấy nhiều quan điểm mới, nổi bật về phát triển kinh tế định hướng xây dựng đất nước đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển. Các quan điểm chủ yếu này bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát trển nền kinh tế số, xã hội số[1].

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới hiện đại.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có tiềm năng, lợi thế, những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; chú trọng các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp. Tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công; cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và năng lực phục vụ, hỗ trợ phát triển của nhà nước. Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách.

Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất - kinh doanh. Đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên kết vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra các không gian phát triển mới.

Thứ năm, tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ. Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ và giá trị gia tăng cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối với khu vực kinh tế trong nước.

Thứ sáu, huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ bảy, thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số; tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả[2].

Thứ tám, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất, nước, khoáng sản. Xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Giải quyết hòa hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông, lâm, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế[3]

2. Vận dụng những quan điểm chủ yếu, cơ bản về phát triển kinh tế phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong nghiên cứu và giảng dạy các môn học của Khoa Pháp luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội

Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nói chung và các quan điểm, đường lối về phát triển kinh tế để đưa đất nước phát triển thành quốc gia hiện đại vào giữa thế kỷ XXI nói riêng vận dụng trong nghiên cứu, giảng dạy các môn học của Khoa Pháp luật Kinh tế theo một số định hướng chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá toàn bộ nội dung chương trình giảng dạy các môn học của Khoa Pháp luật Kinh tế thuộc các mã ngành đào tạo, bao gồm: Luật học, Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế, Tiếng Anh pháp lý dựa trên các quan điểm, đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; chuyển đổi nền kinh tế số, xã hội số; tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chú trọng một số ngành công nghiệp mũi nhọn để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu … để xây dựng và bổ sung đưa vào nghiên cứu, giảng dạy một số môn học mới, cung cấp, tranh bị kiến thức, kỹ năng hiện đại cho sinh viên. Các môn học mới này bao gồm: Những vấn đề pháp lý về mô hình kinh tế chia sẻ; pháp luật về FINTECH, về thanh toán bằng ví điện tử; những vấn đề pháp lý về BITCOIN; những vấn đề pháp lý về BLOCKCHANGE v.v.

Thứ hai, trên cơ sở quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; trong thời gian tới cần vận dụng để đưa vào nội dung giảng dạy những vấn đề mới chủ yếu sau đây:

Một là, rà soát, sửa đổi, biên soạn nội dung Giáo trình Luật Môi trường nhằm chuyển tải, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hai là, triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách có hệ thống, bài bản về đánh giá thực trạng biến đổi khí hậu trên thế giới và Việt Nam; những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường; các quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Những kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng, biên soạn phần nội dung về biến đổi khí hậu của Giáo trình Luật Môi trường và các giáo trình khác có liên quan như Giáo trình Luật Đất đai…

Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung giảng dạy môn học pháp luật về kinh doanh bất động sản dựa trên các quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; theo đó, thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành các quy định của pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng thông suốt, công khai minh bạch; lành mạnh; khai thác và phát huy hiệu quả vai trò của đất đai là một kênh quan trọng huy động vốn đầu tư cho các nhu cầu phát triển đất nước.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài pháp lý với mức xử phạt nghiêm minh đủ sức răn đe, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật; lợi ích nhóm; các hành vi đầu cơ, tham nhũng, trục lợi về đất đai; “thổi giá đất” ảo … gây lũng đoạn hoạt động của thị trường bất động sản ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vĩ mô.

Bốn là, trên cơ sở quán triệt các quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để nghiên cứu, xây dựng đưa vào chương trình giảng dạy Luật Môi trường một số nội dung mới như những vấn đề pháp lý về mô hình kinh tế tuần hoàn; công nghệ xanh, công nghệ sạch và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; những vấn đề pháp lý về giấy phép xả thải khí thải; cấp nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường; chính sách, pháp luật về ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc áp dụng công nghệ sạch không gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh …

Năm là, dựa trên quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nói chung và đất đai nói riêng cần nhấn mạnh đến khía cạnh pháp lý của việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đi đôi với chú trọng bảo vệ, bồi bổ, cải tạo đất đai; xử lý nghiêm minh các hành vi gây thoái hóa đất, để cho đất bạc màu; chôn vào đất các chất thải độc hại; gây ô nhiễm môi trường đất. Mặt khác, trong nội dung chương trình giảng dạy pháp luật đất đai cần chú ý trang bị cho sinh viên những kiến thức về chính sách, pháp luật về ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài … áp dụng các phương thức, công nghệ xanh, công nghệ kỹ thuật cao, hiện đại trong sử dụng đất; đặc biệt là trong sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản ….

Thứ ba, trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công; cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình giảng dạy về Luật Ngân sách nhà nước; nội dung về pháp luật tài chính công, pháp luật về quản lý thuế; pháp luật về xử lý nợ công và pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về chứng khoán, kinh doanh tài chính … nhằm trang bị kịp thời giúp sinh viên/người học quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Thứ tư, thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Quán triệt quan điểm này của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ môn Luật Lao động rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình giảng dạy Luật Lao động, pháp luật về an sinh xã hội nhằm cung cấp cho sinh viên/người học những kiến thức pháp luật về đào tạo nghề cho thanh niên; giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID 19 nói chung và việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng; huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ quốc gia về đào tạo nghề; chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; về chế độ hưu trí cho người lao động; giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ, đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; chính sách, pháp luật của nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo quyền có việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; vị trí, vai trò của công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết người lao động và đại diện đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động nói chung và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, công ty, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng …

Mặt khác, vận dụng quan điểm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân của Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong việc rà soát, sửa đổi nội dung chương trình nghiên cứu, giảng dạy môn Luật Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trang bị cho sinh viên/người học hệ thống kiến thức pháp luật và kỹ năng trong việc đấu tranh với các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, cung cấp sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; các hành vi kinh doanh theo kiểu “chụp giựt”, phi đạo đức … nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung.

Thứ năm, tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ. Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ và giá trị gia tăng cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối với khu vực kinh tế trong nước.

Quán triệt quan điểm nêu trên của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vận dụng vào việc giảng dạy và nghiên cứu môn học Luật Thương mại theo hướng sau:

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương về địa vị pháp lý của doanh nghiệp nhà nước; trong đó, sửa đổi, bổ sung về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ. Cung cấp, trang bị cho người học/sinh viên về những chính sách, quy định của pháp luật về hình thành, mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Đồng thời, làm rõ khái niệm, nội hàm và đặc điểm của chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, nâng cao năng lực canh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hai là, sửa chữa, biên soạn lại nội dung Chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với việc cập nhật, giới thiệu, bình luận, đánh giá các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; xác định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Mặt khác, cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá về hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích, phát triển thành phần kinh tế tư nhân tham chiếu với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai, vận dụng có hiệu quả những quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng, thực thi lĩnh vực pháp luật về củng cố, phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ba là, quán triệt quan điểm chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ và giá trị gia tăng cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối với khu vực kinh tế trong nước trong nghiên cứu, giảng dạy chương pháp luật về đầu tư nước ngoài, Bộ môn Luật Thương mại cần phân tích giúp người học/sinh viên nhận thức được sự thay đổi tư duy của Nhà nước ta trong việc chuyển từ mô hình đầu tư  “nâu” sang mô hình đầu tư “xanh” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Có nghĩa là nước ta không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy phát triển bằng mọi giá; không chấp nhận cấp giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường mà việc thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Formosa tại Khu Công nghiệp Vũng Áng - tỉnh Hà Tĩnh là một bài học đắt giá và không bao giờ được lãng quên. Mặt khác, quan triệt quan điểm này, trong giảng dạy cần phân tích làm nổi bật sự kêu gọi đầu tư theo chiều sâu chuyển từ việc “chạy theo” số lượng sang chất lượng; ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại; công nghệ và giá trị gia tăng cao thân thiện với môi trường, mô hình quản trị hiện đại nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam có thể tiếp cận, tìm hiểu, học hỏi nâng cao kỹ năng quản trị …

Thứ sáu, quan triệt và vận dụng các quan điểm mới về phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào việc biên soạn tài liệu giảng dạy về kinh tế vĩ mô, các nguyên lý về kinh tế; quản trị doanh nghiệp … của Bộ môn Kinh tế học. Trên cơ sở đó, Bộ môn cung cấp, trang bị cho người học, sinh viên những nền tảng lý thuyết về phát triển kinh tế, bản chất của các quan hệ kinh tế mà nội dung pháp luật là hình thức pháp lý thể hiện v.v.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những nội dung mới của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1.

 

[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, tr. 43, 44, 45, 46, 47, 48

[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr. 52, 53