Hội thảo "Chấm dứt hợp đồng lao động và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật"

Đăng vào 30/11/2022 15:25

Chiều ngày 22/11/2022, Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Chấm dứt hợp đồng lao động và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế và PGS.TS. Trần Thị Thuý Lâm, Trưởng Bộ môn Luật Lao động đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; các thầy cô giáo Khoa Pháp luật Kinh tế; nhiều nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo Luật (Học viện Tư pháp, Học viện Toà án, Học viện Phụ nữ, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Đại học Công đoàn….; các luật sư đến từ các Văn phòng luật (Công ty Luật TNHH Atoz, Công ty Luật TNHH Hưng Nguyên...); các chủ sử dụng lao động, người làm công tác nhân sự tại các Công ty (Tổng Công ty Giấy Việt Nam, công ty thuộc tập đoàn TH, LG, FPT…); và có sự tham gia đông đảo các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên quan tâm đến thực tiễn áp dụng pháp luật lao động nói chung và pháp luật về chấm dứt hợp đồng lao động nói riêng.

Chủ đề hội thảo là vấn đề “nóng” do quy định của pháp luật còn nhiều “điểm mờ” đang có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Vì thế, các tác giả tham luận, các diễn giả đã trao đổi, bàn luận về cách hiểu, cách áp dụng của các trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và đặc biệt là đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 36, Điều 42, Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng như hậu quả pháp lý trong trường hợp đơn phương chấm dứt trái pháp luật với những vụ án, vụ việc cụ thể, tình huống thực tế tại các doanh nghiệp. Các vấn đề được quan tâm, bàn luận sôi nổi trong hội thảo là: như thế nào là “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc”, “do dịch bệnh nguy hiểm mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”,… Hoặc khi người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc vì lý do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ, vì lý do kinh tế,… phải thực hiện các thủ tục như thế nào để hạn chế các rủi ro pháp lý?

Hội thảo không chỉ đem lại những giá trị về khoa học, giải quyết những vấn đề mang tính lý luận mà còn giải quyết những vấn đề mang tính thực tiễn . Đây cũng chính là sự duy trì và tiếp nối các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường xuyên của Khoa Pháp luật Kinh tế nói chung và Bộ môn Luật Lao động nói riêng tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Bộ môn Luật Lao động